Môi trường học tập sáng tạo và danh tiếng cùng sự trãi nghiệm mới ở một đất nước văn minh, hiện đại là điều ai cũng mơ ước. Thế nhưng, cũng có nhiều điều cần ngồi lại tâm sự thấu đáo trước khi bắt đầu du học nước ngoài. Bất kể du học sinh nào cũng phải đối diện với những cú sốc đặc biệt “cú sốc 6 tháng”.
Đầu tiên, đó là nhớ nhà. Sau những háo hức khám phá miền đất mới qua đi, thì cảm giác bơ vơ, lạc lõng, thèm được nghe tiếng người thân, thèm những món ăn quen… mới trỗi dậy. Thậm chí chỉ là mùi trứng chiên phi hành cũng làm mắt bạn cay xè! Bởi, những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về vật chất và tinh thần… thì chỉ một “mùi quê hương” thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi.
Việc học, rồi công việc bề bộn cuốn mình đi, tưởng như chẳng có chỗ cho những phút yếu lòng, thế nhưng vẫn có những sáng thức dậy, bạn chợt nhớ mình đã quá lâu chưa về nhà. Rồi nhớ từng ngóc ngách, từng việc nhỏ ở VN, nhớ đến nỗi không dám xem những tấm hình mang theo. Và đặc biệt là dịp Tết! Gọi điện thoại về nhìn hình ảnh cả nhà quây quần, bài trí nhà cửa cảm giác thèm và tủi thân lắm. Các bạn nam có chút đỡ hơn, chứ các bạn gái không ít người khóc sưng cả mắt.
Sau nỗi nhớ nhà ấy, bạn phải đương đầu với áp lực học hành khủng khiếp. Nhiều người nghĩ, việc học ở nước ngoài sẽ bớt căng thẳng hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: Để học tốt bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều, người bản địa cố gắng 1 thì du học sinh cố gắng 10. Học ở nước ngoài với phương pháp tự nghiên cứu, tìm tòi là chính nên bạn phải đọc tài liệu nhiều đến mức đau mắt, cố gắng nghe nhiều đến nỗi ù hai bên tai…Thế nhưng, đôi khi chăm chỉ và nỗ lực là chưa đủ, bạn phải chuẩn bị tâm lý thật vững vàng để tránh rơi vào trạng thái hoang mang cực độ khi phải chuyển ngành, chuyển trường hoặc chuyển đề tài nghiên cứu.
Thêm một khó khăn phải đối mặt, đó là câu chuyện vật chất, tiền bạc. Dù có học bổng hỗ trợ, có lương làm thêm nhưng có những lúc vẫn gặp cảnh “dở khóc dở cười” vì thiếu thốn. Mà đi du học thì hầu như bạn nào cũng mang cho mình tính tự lập, vì thế, việc vay mượn tiền là điều “cấm kỵ”. Chưa kể, ai cũng phải chuẩn bị cho mình tâm lý “quản trị rủi ro” thật tốt vì một mình nơi xứ người, có “biến” xảy ra thì phải có một khoản dự trù. Đôi lúc, đi siêu thị nhấc khay thịt bò lên lại phải ngậm ngùi đặt xuống vì “ăn thịt bò thì sắp tới sẽ như thế nào? Xoay tiền ra làm sao?”. Rồi có giai đoạn phải nói thực sự là “kiệt quệ”, bạn chỉ dám mua 1 miếng bánh mì dành ăn cả ngày.
Cũng bởi áp lực ấy mà nhiều du học sinh phải đi làm thêm bên ngoài cực nhọc vất vả. Có bạn bị tai nạn lao động gãy chân, gãy tay… Rồi có những bạn ham kiếm tiền mà lơ là việc học. Có bạn thì không kiểm soát được cuộc sống, sa đà vào cuộc sống buông thả…
Sau những áp lực nghiệt ngã ấy, có người không vượt qua được để rồi stress, trầm cảm, thậm chí trở về nước mà mọi thứ còn đang dang dở… Nhưng nếu vững vàng vượt qua, chiến thắng bản thân và nghịch cảnh trong giai đoạn này có nghĩa là bạn đã đặt 1 chân tới đích rồi. Và còn một điều nữa các bạn xác định tâm lý là ngay cả khi bạn cảm thấy đã làm chủ được cuộc sống của mình, cảm giác đất nước bạn đang ở như một quê hương thứ 2, thì vẫn có những nỗi chạnh lòng khó tránh. Dù đại đa số người bản địa được coi là rất lịch sự, văn minh, thế nhưng vẫn có “tình huống” mà bạn phải chuẩn bị tâm lý thật tốt để đối diện. Thật khá là nhạy cảm với câu hỏi mà được hỏi khá nhiều “Học xong bạn có dự định ở lại không?”. Lúc ấy chỉ nên mỉm cười “Việt Nam của tôi quá giàu và đẹp rồi”, để cả hai phía đều thoải mái.
Rồi những năm tháng đầu tiên mới sang, việc phải đối mặt với những cú sốc văn hóa từ sự khác biệt về lối sống cũng là một điều mà người trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt. Ngôn ngữ chưa quá “chuẩn” có thể làm mình chút ngại ngùng khi “chém gió”, cách nhìn cuộc sống “500 anh em mình là một gia đình” khi ở VN sẽ khác với phong cách “không xen vào chuyện cá nhân và hạn chế chia sẻ tâm tư” khi ở xứ người.
Sau khi tốt nghiệp, nếu ở lại xứ người thì mọi thứ sẽ ổn định và có cơ hội vẫy vùng thử sức nhưng các đồng nghiệp bản địa lại dễ dàng có nhiều điều kiện, lợi thế hơn mình. Khía cạnh khác, tâm lý được đóng góp ngay chính cho quê hương, cho dân tộc cũng là một điều dễ hiểu với những người trẻ tuổi như các bạn trong thời đại ngày nay, khi được đi ra thế giới rộng lớn thì càng thấy yêu tổ quốc mình hơn. Tuy nhiên, đưa ra lựa chọn trở về Việt Nam sống, làm việc và phát triển hay ổn định tại xứ người là tùy vào quan điểm và quyết định của mỗi người.
Trích ý của anh Lê Tiến Đạt (HN) trang Đời sống Việt Nam