SỐC VĂN HOÁ LÀ GÌ?
Sốc văn hoá là một thuật ngữ được dùng để chỉ sự lo lắng và những cảm xúc như: ngạc nhiên, bối rối, mất phương hướng,… mà một người cảm nhận được khi phải hoạt động trong một nền văn hóa mới hay môi trường xã hội hoàn toàn khác, cụ thể như ở nước ngoài.
Đây được xem là một trong những vấn đề thường gặp nhất và cũng chính là trở ngại lớn mà mọi du học sinh phải vượt qua trong quá trình du học. Nếu không vượt qua được, toàn bộ quá trình học sau đó sẽ bị ảnh hưởng xấu thậm chí phải kết thúc trước thời hạn. Không quá khó để vượt qua sốc văn hóa nếu chúng ta hiểu rõ căn nguyên vấn đề từ đâu ra, những giai đoạn của quá trình này và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
BIỂU HIỆN CỦA SỐC VĂN HOÁ
Một vài những biểu hiện của tình trạng sốc văn hoá khi đi du học bạn cần biết:
– Bận tâm quá mức tới sự thay đổi thể chất nhỏ
– Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
– Mong muốn trở về nhà tha thiết
– Thay đổi tâm trạng thất thường: giận dữ, khó chịu, thích ở một mình
– Thiếu tự tin
– Không thể giải quyết các vấn đề cơ bản
Hầu hết các du học sinh khi mới đi du học đều phải trải qua những tình trạng trên, một số người còn bị ảnh hưởng nhiều hơn những người khác. Song, nếu bạn có thể vững vàng vượt qua, thì những cú “sốc văn hoá” khi du học thường sẽ không còn là vấn đề, và ngược lại có thể giúp bạn hiểu rõ hơn, cũng như vượt qua được những giới hạn của bản thân.
Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn văn hóa khác nhau. Ngoài việc làm quen với ngôn ngữ và tiền tệ của quốc gia đó, bạn cũng sẽ phải thích nghi với văn hóa địa phương.
Khi ở nhà, có thể bạn không biết về “những quy tắc bất thành văn” của người nước ngoài và vì thế, những điều bạn vẫn thường làm hàng ngày ở nhà lại có thể không quen thuộc với người nước ngoài.
Một ví dụ đơn giản là chuyện bắt tay. Ở một số quốc gia, một cái bắt tay chặt chẽ là thông lệ tiêu chuẩn, nhưng ở một số quốc gia khác, việc bắt tay quá chặt có thể bị coi là xúc phạm.
Tipping (tiền boa) là một phần quan trọng trong dịch vụ ở Mỹ. Như ở hầu hết các quốc gia bao gồm cả Việt Nam, việc boa tiền cho nhân viên phục vụ của bạn có thể bị coi là thừa thãi hoặc thậm chí là bất lịch sự. Vậy nên, nhiều sinh viên có thể ngạc nhiên khi biết rằng trong các nhà hàng, quán bar và nhiều dịch vụ khác, tiền boa thường được coi là bắt buộc và là một hành động lịch sự. Thông thường, mức tiền boa sẽ dao động từ 15% đến 22% tổng hóa đơn. Nếu không làm quen với văn hoá này, sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống và có thể bị coi là thiếu tôn trọng.
Thay đổi cuộc sống mới từ việc xếp hàng: Các du học sinh đôi khi sẽ bị sốc khi bị một người phê bình thẳng thắn nếu vô tình phạm phải những thói quen xấu ở đất nước mình trong văn hóa xếp hàng. Văn hóa xếp hàng không phải chỉ thể hiện ở sự kiện quan trọng hay những nơi đông đúc như nơi mua vé, tại các cơ quan nhà nước mà còn ở những nơi bình thường như toilet, xe bus, quán ăn…
Ăn uống vội vã: Hệ thống “drive-through” hay trải nghiệm ăn uống tại các nhà hàng fine dining.
Khi đồ ăn nhanh dần trở thành xu hướng, những chuỗi đồ phục vụ nhanh sẽ cho phép bạn ngồi trong chiếc ô tô của mình để gọi món, và nhận đồ, và bạn cũng sẽ dùng bữa luôn trên chiếc xe của mình. Điều này xảy ra vì rất nhiều người không tiện để gửi xe, đi bộ vào nhà hàng dùng món, rồi trả tiền và quay trở về xe của mình. Dần dà, đây trở thành một nét văn hoá khá độc đáo của đất nước Mỹ mà bạn nên thử ít nhất một lần trong quá trình đi học của mình.
Không khác lắm với trải nghiệm đồ ăn nhanh “theo nghĩa đen” với hệ thống drive though, khi đi ăn fine dining, một người phục vụ sẽ thường đến và hỏi thăm bữa ăn của bạn thế nào và liệu họ có thể mang thêm gì cho bạn không. Đối với những người không quen bị ngắt mạch ăn theo cách này, đây có thể là được coi là một cú sốc văn hóa. Nhưng điều đó cho thấy người phục vụ đang cố gắng giúp đỡ bằng cách hỏi về nhu cầu của bạn.
Cũng như mọi việc khác, khi tới một đất nước xa lạ sinh sống, hãy quan sát người dân địa phương và hòa mình vào văn hóa của họ. Dần dần, bạn sẽ điều chỉnh được cách ứng xử của bản thân sao cho hợp lý và thậm chí bạn có thể dạy cho những người bạn mới của mình về văn hóa của đất nước mà bạn đang học tập.
Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (Cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Washington, Mỹ) thì quan niệm rằng: “Khi bị sốc văn hóa thì chúng ta hãy phải đón nhận sự khác biệt văn hóa và dùng nó làm điểm mạnh. Người Mỹ rất coi trọng sự khác biệt; một cá nhân khác biệt (theo hướng tốt) có thể tận dụng sự khác biệt đó mà làm nổi bật bản thân mình trước đám đông.
CÁCH THÍCH NGHI TÌNH TRẠNG ” SHOCK VĂN HOÁ” KHI ĐI DU HỌC
Nếu như bạn đang gặp vấn đề về tình trạng “shock văn hóa” khi đi du học, hãy tham khảo một số mẹo sau đây:
- Giữ vững tư tưởng của mình! Luôn tự nhắc nhở bản thân lý do tại sao bạn thực sự ở đây, là để tiếp thu một nền giáo dục cao cấp, là để có nhiều cơ hội tốt hơn trong tương lai… Và nhấn mạnh việc đi du học là hoàn toàn bình thường.
- Hãy thực tế và mở lòng! Mọi người ở môi trường mới sẽ có cách suy nghĩ và hành vi ứng xử khác với môi trường ở quê nhà. Bạn nên đặt suy nghĩ của mình trên một diện rộng hơn là chỉ dựa vào đánh giá cá nhân. Bạn nên hiểu rằng văn hóa có sự tác động to lớn lên cá tính mỗi người. Học và làm việc trong môi trường quốc tế là một trải nghiệm tuyệt vời giúp bạn hiểu và trân trọng sự khác biệt về màu da, văn hóa, lối sống… Hãy tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà bạn sắp đến du học.
- Giữ liên lạc với bạn bè & gia đình và hãy tìm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh khi bạn cần! Duy trì liên lạc với nhóm đồng hương của bạn cũng như với các sinh viên địa phương. Có những người sẽ sẵn sàng giúp bạn như bạn bè/người thân qua điện thoại/Skype chat… và gần nhất là các nhà tư vấn sinh viên quốc tế của chính ngôi trường bạn. Hầu như các trường đại học tiêu chuẩn nào cũng có bộ phận tư vấn và giúp đỡ sinh viên quốc tế hòa nhập và giải quyết các vấn đề học tập cũng như cá nhân. Đây là cơ hội cho bạn để lớn lớn và chứng tỏ với bản thân cùng những người thân yêu rằng bạn là một cá nhân đầy nỗ lực.
- Lạc quan, vui vẻ! Học cách trang trí nhà cửa, phòng ở bao quanh bạn với những vật dụng quen thuộc như ở nhà, chẳng hạn như những tấm ảnh, đồ trang trí,… Giữ chế độ ăn uống lành mạnh và ăn những món ăn quen thuộc hàng ngày như ở Việt Nam. Tìm kiếm các hoạt động tập thể có thể giúp bạn làm quen với các sinh viên khác, cũng như những người cùng sở thích với bạn. Tập thể dục thường xuyên và lên kế hoạch hoạt động thể chất thường ngày để tránh trầm cảm.